Thứ Tư, 16/10/2024 - 15:30

Trường Sa Giả thái phó • 長沙賈太傅 • Giả Thái Phó đất Trường Sa

長沙賈太傅  

絳灌武人何所知,
孝文澹泊憚更為。
立談不展平生學,
事職何妨至死悲。
天降奇才無用處,
日斜異物有來時。
湘潭咫尺相鄰近,
千古相逢兩不違。

Trường Sa Giả thái phó

Giáng Quán võ nhân hà sở tri,
Hiếu Văn đạm bạc đạn canh vi.
Lập đàn bất triển bình sinh học,
Sự chức hà phương chí tử bi.
Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ,
Nhật tà dị vật hữu lai thì.
Tương Đàm chỉ xích tương lân cận,
Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi.

Dịch nghĩa

Giáng Hầu, Quán Anh là những kẻ võ biền có biết gì
Vua Hiếu Văn không tha thiết gì, sợ thay đổi
Đứng suông mà bàn luận không thể bày tỏ cái học cả đời mình
Làm tròn chức phận có gì mà phải chịu chết đau thương
Trời cho tài lạ mà không có chỗ dùng
Chiều tà vật quái dị có lúc đến
Tương Đàm gần gũi trong gang tấc
(Sống cách nhau) nghìn năm, gặp gỡ, cả hai đâu có gì trái nghịch

Giả thái phó: Tức Giả Nghị 賈誼 (200-168, trước Công Nguyên). Giỏi từ phú nghị luận, làm tới Thái Trung Đại Phu 太中大夫 đời Tây Hán 西漢, chủ trương cải cách, bị đám quý tộc bài xích, bị biếm làm Thái Phó Trường Sa Vương 長沙王. Bất đắc chí chết năm 33 tuổi. Khi qua sông Tương, Giả Nghị làm bài phú Viếng Khuất Nguyên 屈原 để giải bày tâm sự mình.

Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Giáng, Quán võ biền có biết chi
Hiếu Văn e ngại chẳng làm gì
Bàn suông không tỏ bình sinh học
Phận trọn cớ gì chết hận bi
Tài lạ trời cho không chỗ dụng
Vật kỳ điềm báo lúc chiều đi
Tương Đàm gần gũi trong gang tấc
Xa cách nghìn năm gặp cố tri

Bản dịch của Trương Việt Linh

Võ biền Giáng – Quán biết sơ
Hiếu Văn ngần ngại cuộc cờ đổi thay
Luận bàn tài học ích chi
Lo tròn phận sự chết đi cũng đành
Trời sinh sao lại chẳng dùng
Chiều hôm cú đậu điềm hung rõ ràng
Gần đây gang tấc Tương Đàm
Hai lòng chung một dấu ngàn năm xa.

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Giáng, Quán võ biền chẳng biết chi,
Hiếu Văn đế chẳng thiết tha gì.
Bàn suông không rõ bình sinh học.
Tròn chức phận sao chết hận, bi,
Tài lạ trời cho không chỗ dụng.
Chiều tà vật quái báo điềm hung,
Tương Đàm gần gũi trong gang tấc.
Xa cách nghìn năm lòng vẫn chung.

 
                                                              hhhDanh mục: Thơ Nguyễn Du


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *